Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu được kỳ vọng trở thành Thành phố cảng biển hiện đại. Sở hữu nhiều ưu thế và giao thông liên vùng thuận tiện, hạ tầng mở rộng nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một trong những điểm nóng của bất động sản trong thời gian tới.

Khái quát tình hình kinh tế và dân số BRVT năm 2019

– Dân số: 1,152 triệu người, trong đó 58,6% sống ở thành thị, 53% dân số ở độ tuổi lao động.

– Thu nhập: Sau khi trừ nguồn thu từ dầu khí, GRDP bình quân đầu người vào khoảng 6.530 USD, gần bằng mức 6.799 USD của TPHCM.

– Cơ cấu kinh tế : 52,52% là công nghiệp, dịch vụ chiếm 28,25%, còn lại là nông – lâm – ngư.

– Thị trường bán lẻ: Quy mô 45,7 nghìn tỷ, tăng trưởng 14,11% so với 2018.

– Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 năm 2018 và 2019 lần lượt là 7,2% và 7,65%.

Thế mạnh của tỉnh là dịch vụ cảng biển và logistics có mức tăng trưởng khá, doanh thu dịch vụ khoảng 4.056 tỷ, tăng 4,8%. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng trong năm 2019 khoảng 71,1 triệu tấn, tăng 4,82%, đạt khoảng 52% tổng công suất thiết kế của hệ thống cảng đang hoạt động. Đến nay, tổng diện tích kho bãi logistics đang hoạt động là khoảng hơn 100 ha. Giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong quy hoạch của ngành này chính là Cụm cảng, cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải nằm ở thị xã Phú Mỹ.

thi truong BDS Phu My 2

Về thị xã Phú Mỹ, đây cũng là nơi tập trung hệ thống khu công nghiệp nặng và năng lượng, nhiều nhất và lớn nhất của tỉnh. Với hơn 52% GRDP tỉnh thuộc về công nghiệp, Phú Mỹ giữ vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế địa phương.

Không những thế, gần 40% tổng công suất điện năng của cả nước (khoảng 3900MW) được sản xuất tại hệ thống nhà máy điện Phú Mỹ 1234. Điều này càng khẳng định vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của Phú Mỹ trong định hướng quy hoạch phát triển kinh tế toàn tỉnh BRVT nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.

Bên cạnh đó, những ông lớn nổi bật trong sản xuất công nghiệp tại Phú Mỹ có thể kể đến là nhà máy thép VINA-KYOEI, nhà máy thép, luyện kim Pomina 2 và 3; nhà máy phân bón NPK, bên cạnh rất nhiều nhà máy xay lúa mì, bột mì; sản xuất hạt nhựa PVC, nhựa đường; chế biến thực phẩm và thức ăn gia súc,… cũng được phát triển tại khu vực này.

Đối với đầu tư phát triển, tổng giá trị nguồn vốn toàn xã hội vào khoảng 46,234 nghìn tỷ đồng, tương đương 12.9% GRDP, trong đó vốn ngân sách khoảng 10,901 nghìn tỷ. Đáng chú ý, so với 6,689 nghìn tỷ của năm 2018, nguồn vốn nhà nước đã tăng rất mạnh, hơn 62.9 %. Rõ ràng, bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục và ổn định, đầu tư công tăng cao là một chỉ báo cho thấy đang có sự chuyển mình mạnh mẽ về chính sách kinh tế và cơ sở hạ tầng xã hội của tỉnh.

Lợi thế địa lý của hạ tầng kết nối liên vùng tại Phú Mỹ

Thị xã Phú Mỹ có diện tích tự nhiên khoảng 333 km2, dân số trên 221 ngàn người (2019). Tiếp giáp với nhiều khu vực như:

+ Phú Mỹ là cửa ngõ phía Tây Bắc của toàn tỉnh BRVT, tiếp giáp với huyện Long Thành, Đồng Nai. 

+ Phía Đông Nam giáp Thành phố Bà Rịa – đô thị cấp II, trung tâm hành chính của cả tỉnh.

+ Phía Nam giáp đảo Long Sơn thuộc thành phố Vũng Tàu.

+ Phía Tây giáp với Cần Giờ, TP.HCM.

Trên thực tế, Phú Mỹ có nhiều thuận lợi để phát triển thành một trung tâm sản xuất công nghiệp khi đã có rất nhiều khu công nghiệp đã đi vào hoạt động lâu năm tại đây và quỹ đất vẫn còn cực lớn để tiếp tục phát triển. Đặc biệt, ưu thế địa lý lớn nhất của thị xã Phú Mỹ và BRVT chính là cửa biển và 2 con sông Thị Vải, Cái Mép.

Cái Mép – Thị Vải nằm ở vị trí chiến lược, trên tuyến giao thông quốc tế Hong Kong – Singapore. Nơi đây là cảng cửa ngõ của toàn vùng HCM – ĐN – BRVT, trở thành cảng nước sâu thứ 19 trên thế giới đủ sức đón nhận những siêu tàu có trọng tải lên đến 200.000 tấn. 

thi truong BDS Phu My

Xét đến hạ tầng giao thông, Quốc lộ 51 là trục xương sống chính yếu chạy dọc Bắc – Nam hiện nay của tỉnh BRVT với hơn 4 làn xe mỗi chiều. Bên cạnh đó, những dự án hạ tầng liên vùng khác cũng đang ủng hộ, tiếp sức cho Phú Mỹ và BRVT, cụ thể như sau:

+ Đường liên cảng song song ở phía tây QL51 đã hoàn thành phần lớn các hạng mục và đang khai thác; phần còn lại của tuyến đường này là cầu Phước An, kết nối hai tỉnh Đồng Nai – BRVT đã được duyệt kế hoạch và bố trí ngân sách.

+ Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã đi đến những bước cuối cùng của thủ tục hành chính để chuẩn bị triển khai.

+ Liên quan đến sân bay Long Thành, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã đền bù giải tỏa một phần, cuối tháng 10/2020 đã bàn giao mặt bằng giai đoạn I để triển khai thi công.

+ QL51 dự kiến sẽ được mở rộng thêm đoạn Biên Hòa – Vũng Tàu.

Khi tất cả những dự án này hoàn thành và đưa vào khai thác, Phú Mỹ – BRVT sẽ sớm vươn lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng vốn có của vùng đất này. Tóm lại, cùng với kỳ vọng phát triển kinh tế, thị trường BĐS Phú Mỹ hứa hẹn sẽ có những chuyển biến tích cực.

Sơ lược về quy hoạch tổng thể tại Phú Mỹ

Xét theo trục dọc, Phú Mỹ được chia thành đôi bờ bởi Quốc lộ 51, có 2 phân vùng chức năng được quy hoạch rõ ràng. Vùng sản xuất công nghiệp ở phía Tây QL51, giáp với sông Thị Vải, hầu như toàn bộ là đất Công nghiệp, kho bãi, xen kẽ một vài mảng đất Hỗn hợp rất nhỏ; chỉ một dải hẹp bám sát trục QL51, bắt đầu từ cuối phường Mỹ Xuân là đất Ở đô thị.

Ngược lại, trừ khu công nghiệp Mỹ Xuân B1, phần rất lớn vùng phía Đông QL51 là các khu dân cư, xen kẽ là đất Thương mại – dịch vụ và đất Công trình công cộng. Tính cả đôi bờ, tổng diện tích đất dân dụng ở đô thị mới Phú Mỹ khoảng 3.125 ha.

Có thể nói, cách quy hoạch này gần như tận dụng được tối đa điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng giao thông hiện có để phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, hàng hóa được vận chuyển qua lại giữa bến cảng – kho bãi – nhà máy sản xuất gần như không phải đi qua khu dân cư nào.

Thêm nữa, các xung đột giữa hoạt động sản xuất và hoạt động dân sinh sẽ được hạn chế thấp nhất. Ví dụ như, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, sự phiền hà trong tham gia giao thông dân sinh giữa những dòng xe tải hạng nặng cũng được khắc phục rất nhiều.

thi truong BDS Phu My 3

Ngoài ra, quy hoạch cũng không quên quan tâm đến chất lượng cuộc sống của cư dân. Cùng với món quà từ thiên nhiên là núi Thị Vải, một diện tích đất đai lớn thuộc xã Tóc Tiên sẽ thành lá phổi xanh của toàn vùng. Các phân khu chức năng văn hóa, thể thao tất nhiên không bị bỏ sót, chúng được bố trí xen kẽ mỗi khu dân cư.

Thông tin thêm, dự kiến thành phố cảng Phú Mỹ trong tương lai sẽ có trung tâm hành chính mới thay thế cho trung tâm hiện tại. Khu mới được quy hoạch tại phường Phú Mỹ, sát với chân núi Thị Vải. Bao quanh trung tâm dự kiến này là đường Trường Chinh (đường 81 cũ) và đường dẫn vào cao tốc Biên Hòa –Vũng Tàu (đã được phê duyệt chủ trương nguồn vốn). Đây là vị trí trung tâm toàn vùng, có phong thủy “tựa sơn, hướng thủy”.

Trong tương lai không xa, “Thành phố mới Phú Mỹ” xanh đẹp, hiện đại sẽ được hình thành với quy mô dân số tăng khoảng 50% so với hiện nay, dự kiến 310 ngàn người vào năm 2030 với nhiều dịch vụ trung – cao cấp tiếp tục mọc lên, các phố thương mại, phố tài chính được hình thành. Phú Mỹ hứa hẹn mang đến tiềm năng sinh lời rất lớn trong dài hạn.

Nguồn: Tổng hợp

Thêm bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *